Những công ty công nghệ này đổ hơn 100 tỷ đô vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, theo một báo cáo tuần trước của Cục điều tra Báo chí, một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân ở London. Theo luật thuế của Hoa Kỳ, số lượng lớn tiền mặt này đang được nắm giữ tại các công ty con ở nước ngoài và nhiều khả năng là số tiền mặt đó được dùng để mua trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ.

Nhóm điều tra đã sử dụng dữ liệu từ những nguồn báo cáo hàng năm mà các công ty này được yêu cầu gửi tới Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái. Tổng cộng, Apple, Microsoft, Google và Cisco đang có 255 tỷ USD tiền mặt ở nước ngoài (80% tổng tiền mà các công ty này nắm giữ).

Các đại gia công nghệ Mỹ nắm giữ hàng tấn tiền mặt để làm gì? (1)
Tiền tại các công ty con ở nước ngoài (màu xám) và tổng tiền (toàn bộ cột ngang) của 4 công ty công nghệ (tỷ USD).

Nếu những doanh nghiệp này đang mua nợ chính phủ Hoa Kỳ bằng số tiền đó, thì những người dân đóng thuế cho chính phủ đang phải gánh nợ cho chính những công ty mà họ đã bỏ hàng tỷ đô để mua iPad, các phần mềm và thiết bị định tuyến.

"Điều đó có nghĩa là những người nộp thuế ở Hoa Kỳ đang trợ giúp đắc lực cho các công ty công nghệ sở tại né thuế", ông Nick Mathiason, tác giả báo cáo của Cục Điều tra Báo chí cho biết.

Tuy nhiên theo các chuyên gia thuế quốc tế, vấn đề này chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

"Các công ty Hoa Kỳ có thể trì hoãn việc nộp thuế thu nhập bằng cách duy trì thu nhập ở nước ngoài và tiếp tục trì hoãn bằng cách mua Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ", Michael Knoll , một giáo sư tại Đại học Luật Pennsylvania cho biết.

Lãi suất trái phiếu sẽ hạ khi các nhà đầu tư đổ tiền mua, nhờ đó việc mua trái phiếu có thể giúp neo lãi suất ở mức thấp.

Một số người lý luận rằng mức thuế suất 35% đối với thu nhập từ nước ngoài nên hạ xuống để khuyến khích các công ty Hoa Kỳ đem tiền nước. Số khác lại cho rằng Quốc hội nên quy định mức phạt với các công ty chuyển lợi nhuận ra khỏi biên giới Hoa Kỳ. 

Các đại gia công nghệ Mỹ nắm giữ hàng tấn tiền mặt để làm gì? (2)

Những gì mà Apple , Microsoft, Google và Cisco đang làm là hoàn toàn hợp pháp. 

Phát ngôn viên của Apple cho biết, CEO Tim Cook đã nói với Thượng viện Hoa Kỳ hồi năm ngoái rằng, "với tinh thần thượng tôn pháp luật", Apple đã nộp thuế cho Liên bang lên đến 6 tỷ USD năm 2012.

Trả lời CNNMoney, Google nói rằng "nếu các chính trị gia không thích điều luật nào, họ có đủ quyền lực để thay đổi điều luật đó".

Đại diện của Microsoft lại đưa ra lời phát ngôn năm 2012 của ông Bill Sample, phó chủ tịch phụ trách thuế toàn cầu. "Chúng tôi tin rằng chính phủ Mỹ nên cải cách các quy định về thuế quan để hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiềm năng có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đầu tư hơn nữa tại chính quốc", vị này nói.

Scott Gerber, phát ngôn viên của Cisco cho biết "phần còn lại của thế giới đang khuyến khích các doanh nghiệp mang thu nhập từ nước ngoài hồi hương với thuế suất rất thấp" và Mỹ "nên tạo ra sân chơi bình đẳng, hiện đại hóa hệ thống và tạo nên thị trường cạnh tranh hơn với phần còn lại của thế giới".

Tuy nhiên tác giả báo cáo Nick Mathiason nghĩ rằng các công ty đang bắt tay thỏa thuận với nhau.

"Đây là bằng chứng rõ ràng về vai trò của hệ thống thuế trong việc cải thiện các nhu cầu thiết yếu mà chính phủ đang đầu tư kinh phí gồm dịch vụ công, cơ sở hạ tầng và đầu tư sản xuất", ông nói. 

"Tôi nghĩ rằng người dân Hoa Kỳ sẽ bị sốc khi biết chính phủ của mình đang thanh toán hàng trăm tỷ USD tiền lãi trái phiếu cho các đại gia công nghệ khổng lồ, những tổ chức đang nắm giữ lượng lớn tiền mặt ở nước ngoài được tạo ra từ thuế".