"Trong khi những cuộc mua bán dâm trá hình cao cấp của các đại gia, chân dài, quan chức... được chấp nhận như một chuẩn mực của giới thượng lưu mới, thì người ta kỳ thị, lên án, xua đuổi, đăng lên mặt báo ảnh các cô gái bán dâm bình dân bị gom túm tụm lại như những kẻ ăn cắp vặt. " – TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển (CECODES), chia sẻ.
Những năm gần đây, chính sách của Việt Nam đối với quản lý hoạt động mua bán dâm đã có nhiều tiến bộ, tư duy quản lý mại dâm cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, hợp pháp hoá mại dâm ở Việt Nam vẫn còn đang là một đề tài gây nhiều tranh cãi.
Nghề mại dâm được coi là một trong những nghề cổ xưa nhất của xã hội. Ngay cả ở những xã hội nghiêm khắc nhất, mại dâm vẫn tồn tại. Vậy câu chuyện quản lý mại dâm nên được nhìn nhận dưới góc độ nào, theo anh?
Chúng ta nên nhìn nhận mại dâm trên hai phạm trù: Thứ nhất là phạm trù đạo đức, thứ hai là phạm trù quản lý xã hội. Trên khía cạnh đạo đức, nhiều người phản đối mại dâm vì cho rằng tình dục phải luôn gắn với tình yêu, nó là cái chỉ có thể trao tặng nhau, chứ không thể đem ra mua bán được. Rằng khi mua bán tình dục thì chúng ta chỉ còn lại phần “con”, chứ không còn phần “người” nữa.
Quan điểm này rất lãng mạn, nhưng đáng tiếc nó không thực tế. Đòi hỏi tình dục phải gắn liền với tình yêu thì cũng giống như đòi hỏi hôn nhân luôn phải gắn với tình yêu vậy. Nếu bắt hôn nhân phải luôn đi cùng tình yêu thì có lẽ phải giải thể hơn nửa các cặp vợ chồng hiện nay. Rồi nếu lại bắt là hôn nhân phải đi kèm với tình dục, thì lại phải giải thể thêm một nửa trong số những hôn nhân còn lại.
Khía cạnh đạo đức của mại dâm hiện nay không còn là đề tài để tranh cãi ở phần lớn các nước - người trưởng thành và không bị ép buộc thì có quyền tự chủ về thân thể, và có lựa chọn cá nhân. Điều mà các quốc gia quan tâm hơn là các hệ luỵ xã hội như chuyện bóc lột hay buôn bán người, các bệnh tình dục, hay nạn bạo hành. Đây là những vấn đề hay đi kèm với mại dâm. Làm thế nào để giải quyết được chúng?
Câu hỏi này tương đối phức tạp, và các quốc gia khác nhau đi theo các mô hình khác nhau. Ở Đức, Hà Lan, hay Singapore, là cho phép hoàn toàn, ở đó những người bán dâm được công khai, có thẻ hành nghề, trả thuế, được bảo hiểm y tế, được lập hội đoàn… Có nơi cấm hoàn toàn, như ở Mỹ, Trung Quốc, hay Nga, đi kèm là xử phạt hành chính hay cho vào trại lao động như Việt Nam đã làm trong quá khứ.
Giữa hai cực đó thì còn có rất nhiều sắc thái khác nhau. Có quốc gia như Anh thì cho phép mại dâm nhưng không cho phép các hoạt động môi giới, lập nhà chứa, để hạn chế việc kiếm lợi nhuận trên lưng người bán dâm. (Nhà chứa được định nghĩa là một nơi có hai hoặc nhiều hơn người hoạt động bán dâm). Thuỵ Điển, Na Uy và Iceland lại đi theo mô hình coi hành động bán dâm là không phạm pháp, nhưng mua dâm thì có - khách hàng, chứ không phải người bán dâm, là người bị coi là phạm tội.
Thực tế, không có một mô hình nào tối ưu có thể áp dụng cho mọi quốc gia. Mỗi nước đều phải thử và tìm ra con đường đi riêng của mình, và cần luôn theo dõi, khảo sát, đánh giá tác động để điều chỉnh.
Những năm gần đây, mại dâm đồng tính nam gia tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn. Theo anh, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Liệu việc thừa nhận quyền được kết hôn của người đồng tính có giảm được hiện trạng này hay không?
Theo một khảo sát của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội năm 2012 thì có tới 14% người bán dâm nam chọn công việc này vì họ muốn thoả mãn nhu cầu tình dục của mình (Con số này chỉ là 1% ở người bán dâm nữ, ngược lại có tới 17% người bán dâm nữ đi vào con đường này do trục trặc trong quan hệ với gia đình). Qua đó, chúng ta có thể cho rằng nếu người đồng tính nam được công khai các quan hệ của mình, thậm chí được kết hôn, và không bị xã hội kỳ thị, thì con số 14% kia sẽ giảm xuống.
Một nhận xét khác là hồi đầu thế kỷ 20, tỷ lệ nam thanh niên Mỹ tìm tới gái bán dâm để có sinh hoạt tình dục khá cao, vì xã hội Mỹ hồi đó không chấp nhận tình dục trước hôn nhân. Sau này, khi xã hội cởi mở hơn, nhu cầu sinh hoạt với gái mại dâm của thanh niên mới lớn ít đi. Có thể hình dung là chuyện tương tự đang xảy ra với thanh niên nông thôn Việt Nam, nơi mà tình dục trước hôn nhân còn chưa phổ biến.
TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển (CECODES)
Quay trở lại câu chuyện quản lý mại dâm, liệu mô hình nào phù hợp với Việt Nam?
Thực tiễn nhiều năm ở Việt Nam đã chỉ ra là cấm đoán, phạt tiền, bắt vào trại lao động là không hiệu quả. Không những thế, cấm đoán còn đẩy những người bán dâm vào bóng tối, họ không dám tới báo công an khi bị bạo hành, quịt tiền, bị bảo kê bóc lột, hay khi rơi vào một đường dây buôn người. Chính những bất cập này đã khiến một số nơi như Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất thay đổi.
Mô hình của Thuỵ Điển - coi người mua dâm, chứ không phải người bán dâm, là phạm pháp - theo tôi là không khả thi ở Việt Nam. Thật khó mà hình dung được là lực lượng công an sẽ công tâm và liêm chính làm chuyện này. Rồi người ta sẽ tuyên bố là ở Đồ Sơn không có người mua dâm, giống như họ đã tuyên bố là ở Đồ Sơn không có người bán dâm vậy.
Năm ngoái, chính quyền thành phố Zurich, Thuỵ Sĩ, đã dùng tiền thuế của dân để dựng lên một số phòng bằng gỗ để người bán dâm có thể tiếp khách trong đó, miễn phí. Mỗi phòng có một poster khuyến cáo dùng bao cao su, một phòng tắm nhỏ, và một nút báo động để người bán dâm có thể báo cảnh sát khi cần.
Chúng ta chưa có điều kiện kinh tế để làm giống Thuỵ Sĩ, nhưng điều đầu tiên có thể thử nghiệm là bỏ các hình thức phạt hành chính, chấm dứt tình trạng chạy trốn, chui lủi của người bán dâm, khuyến khích họ tìm tới các nhà chức trách và công an khi có vấn đề.
Ngoài ra, cho phép họ thành lập những nhóm, tổ, hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra điều kiện làm việc an toàn hơn, ví dụ gây sức ép lên khách hàng trong việc dùng bao cao su. Thông qua các tổ chức Phi chính phủ (NGO) cung cấp tư vấn tâm lý, tạo điều kiện cho người bán dâm chuyển nghề nếu họ mong muốn, phát hiện và triệt phá các đường dây bảo kê và buôn bán người.
Để làm được những điều trên, điều quan trọng nhất là thay đổi thái độ trong dư luận.
Như vậy, câu chuyện cấm hay không cấm, hợp thức hay không hợp thức phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức chung của cả xã hội?
Chúng ta nên chấm dứt tình trạng đạo đức giả hiện nay trong xã hội. Ngày ngày dư luận và báo chí háo hức, say sưa theo dõi những câu chuyện của các đại gia và chân dài. Đại gia mà không có chân dài thì bị coi là không có đẳng cấp, chân dài mà không đi với đại gia thì bị coi là bất bình thường.
Rồi việc các quan chức chu cấp nhà cửa, xe cộ, hàng hiệu, cho bồ nhí, vợ bé cũng được coi là hết sức bình thường. Trong khi những cuộc mua bán dâm trá hình ở mức cao cấp này được chấp nhận như một chuẩn mực của giới thượng lưu mới, thì người ta kỳ thị, lên án, xua đuổi, đăng lên mặt báo ảnh các cô gái bán dâm bình dân bị gom túm tụm lại như những kẻ ăn cắp vặt.
Sự khác nhau giữa hai nhóm này chỉ là ở chỗ những người bán dâm cao cấp có nhiều “vốn cơ thể” hơn, do họ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ spa, thẩm mỹ viện, cũng như đầu tư cho quần áo, trang sức, kiểu tóc… Nhóm này cũng có “vốn văn hóa” cao hơn, cho phép họ có khả năng di chuyển và giao tiếp trong môi trường khách sạn hay nhà hàng sang trọng. Những người bán dâm bình dân không có điều kiện để phát triển cả hai loại vốn này.
Tương tự, ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu xã hội đưa ra tới 7 bậc khác nhau để phân loại đẳng cấp của những người bán dâm. Bậc một, cao nhất, là các vợ bé của các đại gia và quan chức. Bậc hai là các “vợ kèm”, những cô gái đi theo một khách hàng giàu có trong một thời gian nhất định, ví dụ trong một chuyến công tác, nhưng chưa lọt được vào bậc một.
Ba bậc tiếp theo nằm trong ngành công nghiệp giải trí: những cô gái làm việc trong các karaoke, quán bar, khách sạn, tiệm massage v.v… Bậc sáu là những người bán dâm đứng đường, và bậc bảy là người bán dâm phục vụ người lao động nhập cư. Các vợ bé và “vợ kèm” được chu cấp bằng tiền tham nhũng, giống như ở Việt Nam, mà hai anh em nhà họ Dương là ví dụ nhãn tiền gần đây nhất.
Ít ra thì những người bán dâm tự nguyện, dù hài lòng hay không với cuộc sống của mình, đều tự nhận rằng đó là lựa chọn của chính họ, và họ tự chịu trách nhiệm với bản thân, không đổ lỗi cho ai.
Trong cuốn “Tình dục và công bằng xã hội”, giáo sư Martha Nussbaum của Đại học Chicago viết, “Tất cả chúng ta, trừ những người rất giàu có và những người thất nghiệp, đều kiếm tiền từ việc sự dụng cơ thể của mình. Giáo sư, công nhân, luật sư, ca sĩ opera, người bán dâm, bác sĩ, nhà làm luật - chúng ta đều làm những việc nhất định với những bộ phận thân thể của chúng ta, và nhận được thù lao qua đó. Có những người nhận được thù lao cao, có những người không, có những người làm chủ được điều kiện làm việc của mình, có những người không, có những người có nhiều lựa chọn trong công việc, có những người không. Và có những người bị xã hội coi rẻ, và có những người không.”
Việc một xã hội coi rẻ ai, và xu nịnh ai, nói lên rất nhiều về bản thân xã hội đó.
Cảm ơn anh!
Theo Tuấn Ngọc
Một thế giới
No comments:
Post a Comment