Tuesday 18 March 2014

Đầu tư ồ ạt kiểu Trung Quốc - Kỳ 2: Sẽ khủng hoảng như Nhật 3 thập kỷ trước?

Thứ Tư, 19/02/2014 

Làn sóng mua sắm của Trung Quốc đang tác động toàn diện đến kinh tế, chính trị, thậm chí là chiến lược của các quốc gia trên thế giới. Gia tăng đầu tư nước ngoài chiếm vai trò rất quan trọng đối với chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, hơn hẳn việc tranh giành trong các mâu thuẫn lãnh thổ dai dẳng.


Việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt ra nước ngoài trong những năm gần đây có nhiều điểm khá tương đồng với chính sách đầu tư của Nhật tại Mỹ vào những năm 1980.
 
Nguy cơ tiềm ẩn

Nguy cơ tiềm ẩn

Tương tự Trung Quốc hiện nay, Nhật Bản 3 thập kỷ trước cũng ở trong giai đoạn bùng nổ kinh tế vô cùng mạnh mẽ nhờ vào xuất khẩu và các công ty Nhật bắt đầu làn sóng mua sắm rộng khắp. Từ trái phiếu chính phủ và cổ phiếu của các tập đoàn lớn, cho tới các công ty và các trung tâm thương mại đều bị cuốn theo làn sóng mua sắm của các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản. Thậm chí, công chúng còn lo ngại Nhật Bản đang “mua” cả nước Mỹ và vẽ ra viễn cảnh đen tối về thảm họa “Trân Châu cảng kinh tế”.

Do sức ép quá lớn từ thâm hụt thương mại với Nhật và nguy cơ tiềm ẩn từ làn sóng mua lại, các nước phương Tây trong G5 (Mỹ, Nhật, Đức, Anh và Pháp) đã gây áp lực lên chính phủ Nhật đòi hỏi thay đổi chính sách, mở rộng thị trường nội địa đối với hàng hóá và tư bản tài chính. Đặc biệt vào năm 1985, Thỏa thuậnPlaza được đưa ra nhằm tăng giá đồng Yên và giảm giá USD để giảm khả năng cạnh tranh của Nhật.

Không chỉ tương đồng về hành vi, làn sóng mua sắm của Trung Quốc cũng tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ tương tự như đối với làn sóng đầu tư của Nhật những năm 1980. Ba thập kỷ trước, sự bùng nổ kinh tế của Nhật đã kết thúc với khủng hoảng kinh tế vào năm 1991, kéo theo đó là khủng hoảng kinh tế Đông Á 1997 khiến các nước phải thực hiện cải cách và xem xét lại mô hình kinh tế đất nước, trong khi Nhật cũng phải chật vật gần 3 thập kỷ để ổn định tình hình.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính là sự sụp đổ bong bóng tài sản - vốn là điều mà các chuyên gia kinh tế thế giới lo ngại về sự phát triển quá nóng của kinh tế Trung Quốc thời gian qua. Theo các số liệu công bố những năm gần đây, giá địa ốc tại hầu hết các thành phố lớn nhất Trung Quốc đều gia tăng nhanh chóng ở mức 2 con số và đặc biệt là tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến, giá địa ốc đã tăng đến 20% chỉ trong 1 năm.

Cũng như quá trình đầu tư ồ ạt, sự tăng “nóng” trong thị trường bất động sản cũng bắt nguồn từ những kẻ giàu có, các tập đoàn tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước có quá nhiều tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng, đến nỗi họ không biết phải làm gì và bắt đầu làm những thứ “điên rồ”. Giá trị của một căn hộ tại Bắc Kinh, một bức tranh của Picasso hay một tờ USD sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của người sử dụng.

Nhưng còn lâu mới bằng Nhật

Tuy nhiên, làn sóng mua sắm của Trung Quốc cũng có một vài điều khác với Nhật Bản.
Thứ nhất, Trung Quốc không hề được chấp nhận vào trật tự kinh tế quốc tế do Mỹ lãnh đạo, và Bắc Kinh cũng không hề có ý “nghe lời” Washington; khác với Nhật Bản những năm 1980 vẫn thuộc nhóm G5 do Mỹ lãnh đạo. Vì vậy Trung Quốc sẽ khó sụp đổ do sức ép từ Mỹ.

Trung Quốc hiện có chính sách đối ngoại rất độc lập, thậm chí là đối đầu với trật tự đơn cực do Mỹ thiết lập trên toàn cầu. Bắc Kinh và Washington đã cạnh tranh ảnh hưởng ở gần như tất cả các điểm nóng trên thế giới, từ những bất ổn tại Trung Đông cho tới xung đột lãnh thổ trên biển Đông; từ các nước Trung Á từng thuộc Liên Xô cho tới châu Phi kém phát triển, trên cả bình diện chính trị lẫn kinh tế.

Nhưng quan trọng hơn, khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản chính là tiềm năng để tiếp tục phát triển. Vào đầu những năm 1990, Nhật Bản có mức thu nhập GDP trên đầu người cao hơn cả Mỹ. Trong khi hiện nay, tính trên sức mua tương đương, thu nhập GDP trên đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/5 so với Mỹ.

Dưới góc độ bành trướng kinh tế từ bên trong thì kinh tế Trung Quốc có thể phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều. Vì nếu Trung Quốc có thể phát triển kinh tế để đạt mức GDP trên đầu người bằng 1/3 nước Mỹ thì Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới - đồng nghĩa với việc có nhiều tiền hơn để đầu tư ra nước ngoài. Cần phải nhắc lại rằng hiện nay, dù chỉ là nước có GDP thứ hai thế giới và xấp xỉ 1/2 GDP của Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng vừa vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia giao thương lớn nhất thế giới.
Làn sóng mua sắm của Trung Quốc đang tác động toàn diện đến kinh tế, chính trị, thậm chí là chiến lược của các quốc gia trên thế giới. Gia tăng đầu tư nước ngoài chiếm vai trò rất quan trọng đối với chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, hơn hẳn việc tranh giành trong các mâu thuẫn lãnh thổ dai dẳng.

Lập trường cứng rắn của Trung Quốc hiện chỉ là một bước đi của giới lãnh đạo nhằm thu phục lòng dân. Vì từ cuộc chiến tranh gần nhất với Việt Nam vào năm 1979, lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra bài học rằng xâm chiếm chỉ khiến thiệt hại nhiều hơn mà chưa chắc đã hiệu quả. Trong khi nếu có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, tập trung khai thác tài nguyên châu Phi, lợi ích đạt được sẽ dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều.

Theo Vũ Thành Công
Một Thế giới

No comments:

Post a Comment